Giáo dục toàn diện:
Ngoài hai việc chính là học hành và lao động bằng công tác chợ búa, giặt giũ và vệ sinh, các em cũng được khích lệ phát huy tiềm năng âm nhạc, chẳng hạn tập các loại nhạc khí như guitar, organ, sáo trúc vv, và tham gia sinh hoạt ca đoàn. Nhà trọ sinh viên Don Bosco hàng năm cũng tổ chức giải thể thao truyền thống, để các nhà trọ giao lưu với nhau, hoặc giao lưu với các trường hay các nhóm từ thiện khác.
Giáo dục tôn giáo:
Trước kia tôi vẫn nghĩ rằng tôn giáo là chuyện của cá nhân từng em; nhưng sau này tôi mới hiểu, là tu sĩ, mình có bổn phận phải chia sẻ niềm tin của mình cho giới trẻ. Trong cách thức giáo dục giới trẻ, nỗ lực của mình là điều không thể thiếu được, thế nhưng ân sủng của Chúa mới là yếu tố phát sinh hoa trái, vì thánh Phaolo nói: “Phaolo trồng, Appolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới là người cho lớn lên”.
Thầm tin điều đó, mọi sinh viên trong các nhà trọ Don Bosco đều đi lễ hàng ngày. Đây là nét đặc trưng của nhà trọ Don Bosco, và là điểm khác biệt với các nhà tro khác. Nhà trọ Don Bosco nằm trên địa bàn giáo xứ nào, các sinh viên đi lễ và phục vụ tông đồ tại giáo xứ đó. Các sinh viên thường được mời gọi tham gia ca đoàn, phụ trách hội giúp lễ, giáo lý viên và tông đồ thiếu nhi.
Trong quá trình chăm sóc các nhà trọ, tôi vẫn thầm tin rằng các việc đạo đức hàng ngày được coi là xương sống nâng đỡ công cuộc Nhà trọ Sinh viên. Tuy nhiên, tham dự thánh lễ mỗi sáng là vấn đề gây nhức nhối và khó thực hiện nhất.
Có hai sự kiện liên quan đến việc đi lễ hàng ngày: Nếu tôi không nhầm thì năm 1998, một Sơ dòng nữ (xin giấu tên), đến gặp tôi học hỏi kinh nghiệm nhà trọ sinh viên. Tôi không nói gì cả, chỉ đưa bản nội qui nhà trọ Don Bosco cho Sơ đọc. Sau khi đọc xong, Sơ nói với tôi: “Đây là lưu xá cho tu sinh mà!” Tôi thắc mắc hỏi: “Yếu tố nào trong nội qui khiến Sơ nghĩ đây là nhà trọ tu sinh?” Sơ trả lời: “Đi lễ hàng ngày.” Thật ra, tôi không đặt nặng chuyện đi tu hay ở ngoài đời. Tôi chỉ đơn sơ nghĩ rằng mình là dụng cụ trong tay Chúa, mình có bổn phận dẫn giới trẻ đến với Chúa, rồi cứ phó thác để Chúa thực hiện ước mơ của Ngài trên cuộc đời các em.
Người ta thường bảo: nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò… khi tôi yêu cầu các sinh viên đi lễ hàng ngày, một sinh viên nói với tôi: “Thưa Cha, cái tâm mới là quan trọng, còn hình thức bên ngoài chỉ là thứ yếu. Chẳng thế mà người ta vẫn thường nói: đạo tại tâm đó thôi! Chúng con cố gắng tập lúc nào cũng nhớ đến Chúa. Tâm hồn chúng con luôn hướng về Chúa. Điều đó mới là quan trọng. Nhiều khi đi lễ mà lòng không vui, hoặc ngủ gật thì nào có ích gì?”
Tôi bèn lấy một ví dụ như sau: “Nếu con có bạn gái, người yêu. Cô ta gọi điện thoại báo là thứ bảy này nghỉ học, cô ta rủ con đi chơi và ăn cơm tối chung. Có khi nào con nói với cô ta rằng: Tấm hình của em, anh đặt trên bàn học của anh đây này. Lúc nào anh cũng thấy em. Và nếu cần nói chuyện thì chỉ nhấc điện thoại là trao đổi với em được ngay. Vậy cần gì phải rủ nhau đi chơi và ăn cơm tối chung cho phức tạp! Chỉ tốn tiền vô ích và mất thì giờ thôi! Có bạn nào trả lời với người yêu của mình như thế không?”. Thế rồi tất cả các sinh viên nhà trọ đều nỗ lực đi lễ mỗi sáng.
Tu sinh và sinh viên sống chung với nhau
Tôi vẫn thích anh em tu sinh và sinh viên ở chung với nhau vì 3 lý do:
– Tránh não trạng giáo sĩ: cứ đi tu thì đòi phải được đãi ngộ, ưu tiên.
– Cuộc sống tu sinh và sinh viên nơi nhà trọ hoàn toàn giống nhau. Họ chỉ khác nhau về lý tưởng và ngày chủ nhật đi sinh hoạt tu sinh mà thôi.
– Anh em tu sinh cộng tác trong vai trò điều hành nhà trọ, cũng như sinh động giữa anh em sinh viên trong nhà.
• Điều chính yếu là nhà giáo dục phải thường xuyên gặp gỡ cá nhân, đồng hành để giúp các em tìm thánh ý Chúa nơi mình. Câu trả lời có sức thuyết phục là trong giai đoạn 13 năm, từ 1993-2006, 23 nhà trọ đã sản sinh ra hơn 78 linh mục tu sĩ cho giáo hội Việt Nam.
• Không chỉ sinh viên và tu sinh sống chung với nhau, mà ngay cả tu sinh các hội dòng khác cũng được khích lệ. Mỗi tháng, vào dịp tĩnh tâm tháng, tu sĩ các dòng khác cũng được mời đến để chia sẻ và quảng bá ơn gọi Hội dòng mình.