Thuộc cụm: Lê Văn Sỹ
Chủ nhà: Cô Đước
Cộng tác viên: Chị Dương Hiền
Ký ức lưu dấu
– Alo! Mày viết bài cho Ban biên tập chưa thằng khỉ kia?
– Hả! Có biết viết gì đâu…
– …..
Những tiếng gọi rất thân mật của anh em sinh viên chúng tôi, đó là những biệt danh những câu gọi để thay đổi cho tiếng gọi của anh em trong nhà để khỏi nhàm chán, sau bao bộn bề cuộc sống của anh em “Tân Hòa” chúng tôi đã thay đổi. Hôm nay ngồi nghĩ lại cảm thấy một chút gì rất đời ở anh em chúng tôi.
Khi tôi vừa hoàn tất việc thu nhận kiến thức ở bậc phổ thông trung học vào cuối tháng 10 năm 2004, tôi được tiếp bước lên thành phố để thu nhận những kiến thức mới và khi bước lên thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố to lớn với bao con người, bao lối sống, bao nhiêu cám dỗ của cuộc sống, là cả một sự trải nghiệm.
![Anh em nhà Tân Hòa và các Cộng tác viên (Bác Thư, chị Dương Hiền, cô Khanh)](http://nhatrosinhviensob.vn/wp-content/uploads/2022/08/PC230056-300x224.jpg)
Khi ấy tôi được giới thiệu vào lưu xá của một linh mục dòng Don Bosco, một Linh Mục có một tấm lòng rộng mở và đặc biệt ở người có một tấm lòng quảng đại.
Lần đầu tiên, tôi gặp vị Linh Mục, cảm thấy ở người có một chút rất khó tính vì khi vào gặp vị Linh Mục đã cho tôi xem một danh sách các công việc mà được người Linh Mục gọi là “Luật Nhà”, đập vào mắt tôi là thời khóa biểu phải thức dậy lúc 4.30’ sáng. Ôi chao ơi! Cái thời điểm mà tôi đang còn say giấc nồng.
Sau khi gặp vị Linh Mục ấy, tôi được nhận vào ở nhà của vị Linh Mục quản lý. Ngày đầu bước xuống thành phố khi ấy tôi rất còn bỡ ngỡ và cứ suy nghĩ nhà sinh viên của vị Linh Mục quản lý chắc là rất nghiêm khắc, bao suy nghĩ mông lung cứ ập đến. Cuối cùng tôi cũng tới được nhà sinh viên trong một con hẻm nhỏ sau này tôi mới biết đó là nhà sinh viên Lê Văn Sỹ 1, sau khi tôi gõ cửa với tâm lý rất lo lắng và đợi một thời gian khoảng 5 phút, một anh với khuôn mặt cằm nhọn, rám nắng, tóc xoắn, mặc một chiếc quần tà lỏn đón tiếp tôi, rồi dắt tôi vào nhà, chỉ cho tôi chỗ để đồ cá nhân, lúc đó là khoảng 10h sáng tôi bước qua một gian phòng kế bên và có cái gì đó mà tôi thấy không giống như trong “Luật Nhà” mà vị Linh Mục đã nói với tôi. Khi tôi ở nhà sinh viên Lê Văn Sỹ 1 được khoảng 3 ngày thì tôi mới hiểu ra, anh em trong nhà cũng vì thức đêm và dậy sớm nên tới thời điểm khoảng 10h sáng là lăn ra thôi.
Tôi ở nhà Lê Văn Sỹ 1 được khoảng 1 tuần thì được chuyển qua một nhà mới. Khi đó tôi mới chỉ bắt đầu hòa nhập với các anh em thì lại phải chuyển sang nhà mới với những anh em xa lạ – Tôi được chuyển qua nhà ở gần một nhà nguyện nhỏ trên đường Trần Quang Diệu, ngôi nhà này cũng khá nhỏ và cũng không được sạch sẽ như ở nhà Lê Văn Sỹ 1. Khi qua nhà Trần Quang Diệu với tôi thì có một số anh qua cùng tôi, để giữ nếp nhà thức khuya, dậy sớm. Khi đó anh Thắng (Cụ Tôn) được chọn làm trưởng nhà và được gọi là người giữ lửa cho ngôi nhà, qua cùng anh Thắng có anh Trần Dũng, anh Sơn,…
Trời tháng 10 thành phố hay mưa, mà mưa thì đường hay ngập lụt. Có lần anh em chúng tôi phải ngồi ăn cơm trên bàn mà dưới chân là những dòng nước mưa chảy qua chảy lại. Nói thực tôi cũng thấy khá thú vị cho cảm giác vừa ăn lại vừa nghịch nước, bữa cơm đó có một điều mới lạ xảy ra. Khi ấy, có anh Dũng quê ở Gia Kiệm, sau khi ăn cơm xong anh Sơn thách đố ăn một nải chuối cau, quay đi quay lại anh Dũng đã ăn hết sạch nải chuối và anh Sơn thốt lên “khỉ ăn chuối”. Thế là từ đó anh Dũng có biệt danh “Dũng Khỉ”, cái tên cúng cơm đầu tiên của nhà Trần Quang Diệu nghe cũng lạ tai, kể từ đó trong nhà luôn có những biệt danh khác ra đời nhằm mang lại tiếng cười cho ngôi nhà nhỏ tại một con đường nhỏ và sát bên ngôi nhà nguyện nhỏ.
Thời gian thấm thoát được 5 tháng, tôi về quê ăn tết với một suy nghĩ tự hào hơn, một suy nghĩ trưởng thành hơn. Sau cái tết của năm 2005, khi chúng tôi trở lại ngôi nhà nhỏ thì chúng tôi nhận được thông báo di dời nhà vì giáo xứ lấy lại để sử dụng cho công việc của cộng đoàn nhà nguyên. Lại một lần nữa chúng tôi lai phải tay xách, nách mang những đồ dùng của một gia đình, những dụng cụ cho những thành viên trong gia đình qua một nhà mới, khi đó gia đình Trần Quang Diệu chúng tôi có 12 thành viên. Sau khi chuyển sang nhà mới, các thành viên của chúng tôi lại được tăng thêm là 18 người và được đổi thành gia đình Tân Hòa, khi đó trưởng nhà là anh Vũ (Vũ Chuột). Qua nhà mới tôi lại một lần nữa thấy rất vui và tự hào vì khi đó nhà có những anh lớn hơn, nhưng “Luật Nhà” vẫn phải thức khuya dậy sớm. Từ khi bước qua nhà mới tôi cũng thấy lạ vì ở đây mát mẻ hơn, rộng hơn và có sự khác biệt hơn khi bước ra khỏi nhà thì được một số các bác trong khu gọi là các Thầy – nghe có vẻ là được nâng niu hơn khi ở nhà Trần Quang Diệu.
Kế bên nhà tôi ở, có một bác rất thân thiết và hay cho các anh em nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống. Đó là bác Xuân, mỗi lần bác Xuân gặp mặt anh em trong nhà thế nào bác cũng cho cái này, lúc cái kia. Bác Xuân rất vui tính và hay nói vui mấy thầy thế này, mấy thầy thế kia thực ra nghe cũng thấy hơi ngại, nhưng cũng cảm thấy vui vui. Hơn thế nữa, khi qua nhà mới này tôi lại được học hỏi ở mấy anh lớn một cách giao tiếp mới, như tôi để ý thấy anh Hoàn có cách nói chuyện với bác Xuân làm cho bác lúc nào cũng cười tươi.
Nhà tôi ở, có một anh rất siêng năng thường xuyên đi lễ và có khi đi cả 3 lễ ngày chủ nhật, hồi ấy thấy ai siêng năng như vậy tôi nể phục lắm vì thực sự tôi mỗi ngày đi được một lễ là tôi cũng cảm thấy uể oải lắm. Mọi người trong nhà đặt cho anh này biệt danh là “Thánh Hưng” để đề cao tinh thần siêng năng và thánh thiện của anh.
Cuộc sống ở thành phố khá nhộn nhịp và con người luôn phải sẵn sàng. Một lần nữa tôi và các anh em được thông báo di dời nhà qua một ngôi nhà rộng hơn gần đó, công tác di dời nhà cũng khá vất vả vì vừa phải dọn nhà đang ở để trả lại nhà, vừa phải dọn nhà mới do nhà mới trước đó được chia thành các phòng nhỏ, còn anh em chúng tôi ở thì phải yêu cầu như một gia đình, không có phòng chia nhỏ được, khá là mệt mỏi cho lần chuyển nhà này. Nhưng có một kỷ niệm mà làm tôi nhớ mãi và kỷ niệm đó cũng là một dấu ấn cho tôi về tình anh em trong gia đình Tân Hòa. Khi đó anh em trong nhà mọi người đều phải làm việc. Người thì quét vôi cho nhà mới, người thì lau nhà, người thì phải qua nhà cũ dọn dẹp để trả lại nhà. Lúc này có anh Dũng (Má Dũng) trong người có bệnh, bị co giật liên hồi, khi đó anh em thì đang ở dưới nhà làm việc không chú ý. Anh Hoàn bỗng nói sao Má Dũng ở trên nhà làm gì mà la lớn vậy? Anh em hốt hoảng chạy lên nhìn thấy Má Dũng nằm co giật dưới sàn nhà. Mọi người trong nhà ai cũng hốt hoảng, người thì cố giữ cho Má Dũng khỏi bị co giật, người thì cố giữ cho miệng Má Dũng không bị cắn vào lưỡi. Có anh thì chạy đi lấy xe để chở Má Dũng vào bệnh viện. Thế là từ đó gia đình chúng tôi lại càng thân nhau hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Chỉ trong một năm 2005, chúng tôi phải chuyển qua hai nhà mới và chúng tôi càng thêm gắn kết với nhau hơn, có nhiều kỷ niệm vui cũng như kỷ niệm buồn. Các thành viên trong gia đình Tân Hòa cũng nhiều hơn. Thế rồi thời gian thấm thoát qua, gia đình Tân Hòa chúng tôi đã có những ơn gọi mà trước khi vào nhà sinh viên chúng tôi cũng được vị Linh Mục hướng đến. Đáp lại sự mong mỏi của vị Linh Mục mà người đã hướng dẫn chúng tôi khi bước lên thành phố là hoa trái của ơn gọi Thiên triệu, một ơn gọi thiêng liêng. Anh Hoàn, anh Khoa, anh Duy đã lựa chọn cuộc sống tu trì đó là hoa trái đầu tiên của gia đình Tân Hòa chúng tôi, cùng tiếp bước theo sau có anh Học, và một số anh em khác…
Sau hơn 10 năm, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê mà suy nghĩ mung lung về thời sinh viên khi còn ở gia đình Tân Hòa. Nhớ về những khuôn mặt ngây dại như con nai vàng ngơ ngác của anh em lúc mới lên thành phố và những khuôn mặt “sói già” của mọi người khi đã ở lâu trên thành phố.
Xem thêm: Nhà Đồng Đen – Ngôi nhà tạo nên sự chan hòa, vui tươi
Đang thẫn thờ lướt nhanh những bức hình mang dấu ấn được lưu lại bởi những con người thích hoài niệm. Bỗng dưng điện thoại rung lên, tôi bật lên thì một tin nhắn trên Zalo với nhóm nhà Tân Hòa đang kể với nhau những ký ức mà chúng tôi sống trong gia đình Tân Hòa. Hẹn một ngày nào đó, anh em chúng tôi lại được ngồi gần và lần này chúng tôi lại nhâm nhi ly rượu để kể lại thời trai trẻ cho các lớp đàn em về những dấu ấn, và đặc biệt về:” LÒNG BIẾT ƠN” cho người đã tạo dựng một môi trường sống cho anh em chúng tôi, một môi trường tạo ra những con người giúp ích cho đời.
Câu kết cho một hồi ức đẹp mà anh em chúng tôi đã được sống và đang được hưởng thành quả của công việc đào tạo: Chúng con, gia đinh nhà Tân Hòa xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cha Toma Vũ Kim Long là người cha, người mẹ đã tạo cho chúng con một môi trường sống lành mạnh và cũng là người tiếp sức cho chúng con trên ngưỡng cửa vào đời.
Danh sách nhà Tân Hòa
![Danh sách anh em nhà Tân Hòa](http://nhatrosinhviensob.vn/wp-content/uploads/2022/08/tanhoa-300x233.png)
*Danh sách này có thể còn thiếu do không tìm được thông tin hiện tại của anh em.
Xem thêm: Nhà Lê Văn Sỹ 2 – Gia đình thứ hai…của những người con xa quê
Kỉ yếu Nhà trọ Sinh viên Don Bosco (giai đoạn 1993 – 1996)