NHÀ HÒA HƯNG – NGÔI NHÀ…MƠ ƯỚC

Thuộc cụm: Lê Văn Sỹ

Chủ nhà: Bà Ca, Bà Tụng

Địa chỉ: 463B/44 Bis Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10, Thành phố HCM

Ngôi nhà mơ ước        

Nhà Hòa Hưng được thành lập vào tháng 05 năm 2001. Tọa lạc tại số 463B/44 Bis Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10. Chủ nhân căn nhà này là 2 chị em Bà Ca và Bà Tụng, thời điểm đó hai Bà đã lớn tuổi nên giao căn nhà cũ lại cho Cha Giuse Phạm Bá Lãm, chánh xứ Hòa Hưng kiêm hạt trưởng hạt Phú Thọ để Cha xây dựng nên căn nhà mới.

Diện tích xây dựng khoảng 250m2 gồm 3 lầu chia ra làm 6 phòng ngủ, 6 toilet, 1 nhà ăn rộng và 1 phòng trệt dùng để xe. Đối với anh em Tu sinh sinh viên, đây là căn nhà đáng mơ ước vì không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi: Tọa lạc tại khu vực Quận 10, là trung tâm với các trường đại học, lò luyện thi đại học…

Bên cạnh những thuận lợi đó, đây là ngôi nhà được Cha Lãm đầu tư rất hiện đại và vô cùng khoa học với thiết kế không gian mở, sử dụng ánh sáng và gió đến từng vị trí của ngôi nhà, không gian sử dụng thật hợp lý …Cha Lãm đã đầu tư 1 tủ lạnh, Tivi JVC 21 inch, lò vi sóng, và vài vật dụng khác đã có trong nhà từ trước năm 2000.

Anh em nhà Hòa Hưng giai đoạn đầu
Anh em nhà Hòa Hưng giai đoạn đầu

Nhà Hòa Hưng đã chào đón những anh em Tu sinh sinh viên Đức Huy và dưới sự hướng dẫn của Cha Toma Vũ Kim Long, Ngài đã quy tụ những anh em cũ cũng như những anh em mới lần đầu lên Sài Gòn học tập. Ngôi nhà đã hình thành từ những anh em không chỉ đến từ Gia Kiệm mà còn là điểm đến của nhiều anh em trên mọi miền của đất nước.

Chính vì vậy tính cách của mỗi anh em cũng rất riêng, trình độ cũng khác nhau nhưng khi sống với nhau vẫn dung hòa nhờ những quy định mà Cha Tôma đưa ra. Thế hệ các anh lớn trong nhà: Anh Tuấn (kiến trúc), Anh Hoa (mới theo đạo năm 2000).

Thế hệ tiếp theo :Anh Tuấn (già làng), Định, Thắng ,Thành, Hoàn, Bảo, Hảo, Linh, Đại, Luận. Mai Duy, Nguyễn Duy, Luận (Nha Trang), Tuyến (Trảng Bom), Hùng, Sơn ,Tài, Ngọc… Buổi ban đầu với những con người đó, đến từ những gia đình với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng anh em vẫn sống chan hòa, vẫn vui tươi, lạc quan.

Và quan trọng nhất là đi lễ sáng hằng ngày tại nhà thờ Hòa Hưng và tham dự giờ kinh tối lúc 21h30. Vì những hoàn cảnh khác nhau như vậy, có những anh em đã phải vừa học vừa làm, một số anh em đi dạy kèm tại tư gia, số anh em đi bán cà rem, thậm chí một số anh em phải làm thêm những việc nặng nhọc như: phụ hồ, bốc vác…

Dù làm công việc gì để duy trì và tồn tại nhưng anh em vẫn vui tươi. Và đến tận bây giờ, sau gần 20 năm nhớ lại thời gian khó khăn đó, anh em chúng ta không chối bỏ quá khứ nhưng nhìn nhận một cách đầy tự hào về việc kiếm tiền để học hành và tồn tại.

Khi chia tay nhau sau bao năm xa cách thì giờ đây một số anh em đã lập gia đình, có những người vẫn trụ lại thành phố, có những người đi nơi khác lập nghiệp.

Bên cạnh đó những anh em đang đi theo Chúa trên con đường của Cha Toma đã đi:

– Cha Mai Anh Tuấn – Linh mục SDB đang phục vụ tại Trung Tâm Khuyết Tật – Thái Bình

– Thầy Mai Vũ Quốc Duy – Phó tế dòng Đaminh

– Thầy Luận (Vũng Tàu) – Sư huynh SDB

– Thầy Martin Tài – Sư huynh SDB (campuchia)

– Thầy Vũ Đức Thắng – Dòng ngôi lời

– Thầy Nguyễn Quốc Duy (Đức Huy) – Dòng Phanxico.

Một số anh em xuất thân từ nhà Hòa Hưng khi có dịp về Sài Gòn đều ghé thăm Bà Tụng, Bà nay đã lớn tuổi phải ngồi xe lăn nhưng bà vẫn rất quý mến anh em và luôn dành cho anh em lời cầu nguyện và nụ cười khi anh em ghé thăm.

Xem thêm: Ngôi nhà của tiếng cười, tình huynh đệ và yêu thương

Một thời để nhớ

Thấm thoát đã gần 11 năm khi bước chân vào nhà sinh viên Don Bosco, hôm nay đây với bao cảm xúc chợt ùa về, một thời đã cùng với những người trẻ sống xa nhà, được quy tụ trong một mái nhà sinh viên Don Bosco. Hôm nay đây, có dịp ngồi nhìn lại với bao kỷ niệm, đồng thời cũng như một lời tri ân chân thành nhất.

Với một người trẻ lần đầu lên Sài Gòn, nơi phố xá xa hoa lộng lẫy, đông đúc xe cộ, người người từ khắp tứ phương về đây mưu sinh kiếm sống, thì quả thật là lạ lẫm đối với một người trẻ như chúng tôi đây.

Những khó khăn, những cạm bẫy khi phải sống xa gia đình, xa sự giáo dục, quan tâm của ba mẹ, của người thân. Phải thuê ở trong những căn phòng nhỏ bé, chật hẹp, thiếu thốn tiện nghi về mặt vật chất và cả tinh thần. Rời xa mái nhà thân yêu ở nơi làng quê, để lên thành phố trọ học.

Và chúng tôi thật hạnh phúc, ba mẹ được an tâm, khi mà chúng tôi được vào sống trong mái nhà sinh viên Don Bosco, dưới mái nhà Hòa Hưng này.

Cảm giác lần đầu tiên khi vào sống trong nhà sinh viên thật lạ lẫm, bởi trước đó tôi đã từng có một thời gian sống trọ bên ngoài, nay được bước chân vào nhà sinh viên Don Bosco – Hòa Hưng thì làm tôi rất ngạc nhiên, lo lắng, pha lẫn cả sự ngưỡng mộ, về những quy định, cách tổ chức cũng như những tình cảm mọi người dành cho chúng tôi.

Chúng tôi không còn cảm thấy là chúng tôi đang ở trong một căn nhà trọ nữa, mà chính là một gia đình, một gia đình của sự hiệp nhất của tất cả mọi người. Một căn nhà thật khang trang, gọn gàng, sạch sẽ, căn nhà mà Cha chánh xứ Hòa Hưng xây lên để cho anh em sinh viên ở, đó cũng là những trăn trở, ưu tư của vị mục tử đáng kính, luôn lo lắng cho những sinh viên xa nhà thiếu điều kiện như chúng tôi đây.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn được sự quan tâm, giúp đỡ của quý vị ân nhân, những anh chị, và cả Cha Kim Long – Cha đặc trách nhà sinh viên của chúng tôi nữa. Điều ấn tượng đặc biệt khi tôi được gặp Cha Kim Long trước khi vào ở nhà sinh viên Don Bosco là một người Cha thật dễ thương, với giọng từ tốn, Ngài rất vui vẻ, dịu hiền, Ngài cho tôi xem bản nội quy, và sau đó Ngài hỏi tôi có tuân giữ được những nội quy trong nhà sinh viên hay không? Có chu toàn được hai điều mà rất quan trọng đó là tham dự thánh lễ sáng và có mặt buổi tối ở nhà để đọc kinh tối với anh em không?

Và dĩ nhiên là tôi có thể chu toàn được. Tôi biết rằng, Ngài rất ưu tiên cho việc đạo đức này. Bởi chính Ngài có lần nói với chúng tôi, các con chu toàn được hai điều đấy là điều rất tốt, và Chúa sẽ giữ gìn các con, để giúp các con trở nên là một người Kitô hữu tốt và là người công dân lương thiện.

Với câu châm ngôn như Cha Thánh Gioan Bosco “Yêu thương và sống cho giới trẻ”, các Cha, các anh chị là những người, những nhà giáo dục được Chúa gởi tới cho chúng tôi, để giúp chúng tôi khi sống ở Sài Gòn này, “Chỉ cần chúng tôi là người trẻ, đủ để cho các ngài yêu mến chúng tôi”, như chính khi xưa thánh Gioan Bosco đã nói với giới trẻ của ngài.

Các cuộc tĩnh tâm hàng tháng, những bức thư được gói ghém bao tâm tình của người Cha đặc trách, những lời thăm hỏi, động viên, những lần ghé thăm nhà, các Cha và các anh chị đã giúp đỡ, tạo điều kiện để chúng tôi ngày càng trưởng thành hơn. Để chúng tôi có thể hiểu và cảm nhận được tình thương, sự quan phòng của Thiên Chúa ,thật là một hồng ân lớn lao cho chúng tôi.

Xin tạ ơn vì những hồng ân Chúa gởi cho anh em. Nay với giây phút nhìn lại những năm tháng đã qua, nhìn lại để cảm tạ Thiên Chúa, vì “người nhân hậu và từ bi”, “Chúa quan phòng chăm sóc các thụ tạo của Ngài”, chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa, tri ân Cha đặc trách, quý Cha và quý vị ân nhân đã tạo điều kiện để chúng tôi có thể phát triển cả về thế chất và tinh thần.

Để rồi sau 11 năm nhìn lại, chỉ biết cảm tạ và tri ân Chúa và mọi người!

Xem thêm: Nhà trọ đáng sống, mến yêu và biết sợ

Kỉ yếu Nhà trọ Sinh viên Don Bosco (giai đoạn 1993 – 1996)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status