KIẾP Ở TRỌ
Khởi sự từ Nhà Văn Côi (được đặt tên vì nằm ngay bên ngôi nhà Nhà thờ Giáo xứ Văn Côi) trên đường Nguyễn Bá Tòng (sau này là đường Trần Mai Ninh). Chúng tôi được Cha đón nhận khi mở rộng hơn các nhà trong cụm Tân Bình, được Bác Thư coi sóc và đồng hành.
Ngôi nhà rất khang trang với 2 tầng lầu, gần 20 anh em chúng tôi gắn bó với biết bao kỉ niệm. Anh em sinh viên hay nói vui với nhau: “thằng nào quậy, lười mới vào nhà Văn Côi, hihi”. Vì mỗi sáng, tiếng chuông nhà thờ sát bên tai, tiếng Kinh vang khắp nhà, hơn nữa trên con đường, Bác và các anh em nhà khác đi Lễ, thế là chúng tôi chẳng “trốn” được ngày nào.
Xem thêm: Nhà Lê Ngân – Nơi gợi nhiều cảm xúc
Gần cũng có cái thuận lợi, nhà khác thì vắt chân lên chạy, chúng tôi cứ thong thả “nướng thêm chút” vì chỉ cách nhà thờ hơn 10 bước chân, nhưng ngày nào anh em tôi cũng là những con chiên sau cùng bước vào tham dự Thánh Lễ vì cái sự ỷ lại của mình.
Cùng các anh em nhà Trần Mai Ninh, nhà Trung Lang, chúng tôi đã tạo nên một ca đoàn hùng hậu mà mấy Cụ trong giáo xứ cứ hay than “tiếng hát át tiếng bom”, mỗi sáng Chúa Nhật có chúng tôi “rống” là nhà thờ vui và sốt sắng hơn hẳn. Sao mà không rộn ràng khi khoảng 150 người tham dự Thánh Lễ thì hơn 50 “thằng trai” đọc kinh và đáp Lễ, nhanh đến nỗi các Cụ “chưa hiểu nó đọc kinh bằng thứ ngôn ngữ gì”. Nhưng các Cụ không phải chịu đựng lâu vì Cô Chú chủ nhà cần lấy lại nhà để sửa cho các con cháu và người thân bên nước ngoài về sinh sống.
Xem thêm: Hồn tông đồ sinh hoa kết trái
Cha Kim Long và Bác Thư đã bôn ba tìm kiếm cho chúng tôi chỗ “nương thân” mới, bởi thời trai trẻ to con ấy chỉ học, học và đá bóng chứ đất Sài Thành thì mù tịt. Rồi nhờ Ơn Chúa, ngôi nhà mới cũng xuất hiện với diện tích nhỏ hơn, 2 tầng trên đường Phạm Phú Thứ, gần nhà thờ Phú Trung và chúng tôi được lấy tên là nhà Phú Trung.
Qua nơi mới, anh em thích nghi rất nhanh, ngôi nhà thờ rộng lớn hơn nhưng anh em không khỏi sự chú ý vào mỗi Thánh Lễ sáng với số lượng gần 20 chàng trai.
Xem thêm: Nhà Nguyên Hồng
Cuộc sống mới dần ổn định, mọi người trong giáo xứ chú ý, láng giềng mới làm quen và đầy sự ưu ái. Nhưng vỏn vẹn chưa đầy 3 tháng, chúng tôi lại làm cuộc “di cư” bất đắc dĩ vì gia chủ đã tìm được người bán để đi định cư nước ngoài.
Cha và Bác lại thêm một lần khổ sở vì anh em chúng tôi. Cha và Bác cùng anh em cầu nguyện và xin Thánh ý, rồi như một cuộc duyên nợ chúng tôi lại trở về với nơi quen thuộc của mình, một ngôi nhà hơi cũ hai tầng lầu tại số 10/5 đường Lê Lai, P. 12, Quận Tân Bình cách ngôi nhà cũ Văn Côi chừng 5 phút đi bộ.
Có lẽ an cư mới lạc nghiệp, ngôi nhà thứ 3 đã cùng chúng tôi trải dài trong năm tháng sinh viên còn lại, chúng tôi lại trở về với nhà thờ Văn Côi quen thuộc, lại cùng hợp sức với 2 nhà còn lại để “đàn ca” vào mỗi sáng Chúa Nhật.
Một thời sinh viên trải nghiệm với 3 ngôi nhà trọ nhưng chúng tôi chưa hiểu sự vất vả, lắng lo và đầy tình thương của Cha Kim Long và Bác Thư. Ngày ấy chúng tôi tuổi ăn học, chơi đùa và hỏi: “Cha ơi, Bác ơi vậy chúng con ở đâu?”.
Lớn hơn, trưởng thành trong ngôi nhà trọ Don Bosco mới thấm hết từng giọt mồ hôi và vết nhăn của Cha, của Bác. Tôi nhớ Lễ gia đình năm cuối tôi ra trường, anh Trưởng đọc bài cảm ơn, Cha khóc, Bác khóc và chúng tôi cũng khóc. Chỉ những gì thật nhất và chân thành nhất mới đủ chạm và rung động trái tim của những người trong cuộc, KIẾP Ở TRỌ giá trị và nhớ lắm dù trải qua bao năm nữa bạn ạ.
DANH SÁCH NHÀ VĂN CÔI – PHÚ TRUNG – LÊ LAI
* Danh sách này có thể còn thiếu do không tìm được thông tin hiện tại của anh em
peterthanhthai