Nhà Trung Lang:
- Thuộc cụm: Tân Bình
- Chủ nhà: Anh Trung – Chị Nga
- Cộng tác viên: Bác Thư
- Địa chỉ: 36 Trung Lang, Phường 12, Quận Tân Bình, Thành phố HCM
Đời tôi có Cha
Qua những câu chuyện với bác thợ hớt tóc và những chia sẻ ước mơ của tôi là muốn đi tu nhưng chẳng biết làm như thế nào. Ở đại chủng viện thì không có khoa thi năm đó. Thế là bác hỏi có muốn đi tu dòng không, tôi chẳng hiểu tu dòng là gì. Bác nói dòng này hoạt động cho giới trẻ cũng mạnh lắm. Nghe nói được làm việc với giới trẻ là mắt tôi sáng lên (lúc đó tôi là giáo lý viên khối bao đồng I).
Thế là tôi đồng ý và bác giới thiệu tôi với thầy Quốc Thuyến (bây giờ là cha Quốc Thuyến) đang đồng hành với anh em sinh viên Don Bosco Sài Gòn. Ngày lên Sài Gòn tôi được thầy gửi vào nhà 36 Trung Lang. Đó là một căn nhà không đủ rộng rãi, thiếu ánh sáng nhưng đủ lớn để che chở cho 12 anh em sinh viên tỉnh lẻ như tôi.
Điều tôi hạnh phúc nhất là được đi lễ hằng ngày, được sống với anh em như một gia đình và môi trường học tập thật lý tưởng. Về sau tôi biết Cha Tôma Vũ Kim Long phụ trách chính anh em sinh viên. Qua những lần tiếp xúc với Cha, tôi thấy Cha rất là gần gũi và thân thiện.
Xem thêm: Nhà Nguyên Hồng
5 năm ở nhà Trung Lang đã nhiều lần tôi xin Cha chuyển nhà vì nhà Trung Lang rất đặc biệt “mưa thì lụt, mà nắng thì nóng” kinh khủng, nhưng Cha không đồng ý với lý do – ở đây con giúp Cha chia sẻ kinh nghiệm với những anh em “cá biệt”. Tôi chấp nhận ở lại cũng có thể tôi đã quen với cái nếp sống của nhà nên đối với tôi những tác động bên ngoài cũng chẳng quan trọng cho lắm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi và một vài anh em vào cộng thể Ba Thôn để sống thử một tháng. Được nhìn các thầy đọc kinh, làm việc và vui chơi thật là thích. Nhưng tôi bị khủng hoảng ơn gọi trong thời gian này vì trong thời gian một tháng mà có tới 8 thầy nhà tập ra về, mà toàn là những thầy giỏi, đạo đức và rất siêng năng. Tôi tự hỏi, liệu mình có đủ giỏi, đủ đạo đức hay chăm chỉ làm việc như các thầy đã ra về không.
Thế là ngày anh em vào nhà tiền tập thì tôi chạy một mạch về nhà rồi lên gặp Cha Kim Long. Sau đó, tôi đi làm được một năm nhưng trong tâm thức vẫn còn khát khao được làm việc với giới trẻ. Tôi mạnh dạn nói chuyện với Bác Thư và Chị Hiền về suy nghĩ của mình.
Được hai vị Cộng tác viên động viên tinh thần, tôi lấy hết nghị lực đi nói chuyện với Cha Kim Long. Lúc đó Cha đã chuyển về cộng thể Cầu Bông, tôi trình bày với Cha về những khát khao của mình và muốn tiếp tục con đường ơn gọi. Cha đã nói với tôi một câu làm tôi không thể nào quên “thầy thuốc thì có nhiệm vụ chữa bệnh cho bệnh nhân”.
Đúng vậy, tôi đã trở thành con bệnh và Cha đã cứu lấy đời tôi. Hai tuần sau tôi nhập tiền tập viện cùng với 44 anh em. Về sau Cha hỏi tôi “có khi nào con thấy lớp trước ít anh em quá nên con bỏ về chờ đến lớp này đông hơn con mới chịu vô không?” Thực sự khi tôi vào nhà tiền tập tôi chỉ biết có hai ba anh em tu sinh Ba Thôn cùng thời chứ tôi không quen ai hết.
Chập chững vào đời sống Saledieng tôi có nhiều bỡ ngỡ, nhiều khó chịu, gò bó đôi khi muốn bỏ cuộc. Nhưng được Cha Kim Long nâng đỡ và chia sẻ, tôi như được tiếp thêm sức lực và “lửa” để tiếp tục con đường ơn gọi của mình. Khi tôi diễn vở kịch mừng lễ mẹ Phù Hộ “Mẹ đã thắng con rồi”, Cha đã gọi tôi ra và nói.
Quả thực nhân vật mà con đóng rất đúng với tính cách của con. Cũng đúng thôi tính ra thì cũng được 5-6 năm Cha và tôi cũng đã làm việc và sống chung với nhau, nên mọi tính cách của tôi Cha đều hiểu hết.
Chia tay Cha nhà tiền tập, tôi và 35 anh em khác tiếp tục con đường của mình ở phía trước. Một năm ở nhà tập Ba Thôn với biết bao vui buồn, nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhưng nơi đây tôi được trui luyện để trở thành nền móng vững chắc của một tu sĩ Saledieng.
Sau khi rời nhà tập, tôi cùng với 29 anh em lên nhà triết học ở Đà Lạt. Tôi như vỡ òa vì nhận được tin Cha Kim Long làm Cha Giám Đốc cộng thể Triết Học. Còn gì hạnh phúc hơn được nghe những bài huấn đức, những bài học ý nghĩa từ người Cha mến yêu hay nhận được đường truyền bóng sắc nét, mạnh mẽ và chính xác trên sân bóng rổ.
Đến cuối năm ba triết học, tôi được Cha động viên về ơn gọi truyền giáo. Những bài huấn từ của Cha và những lần chia sẻ của các Cha, các Thầy truyền giáo làm nung nấu trong tôi một động lực vô cùng mãnh liệt là trở thành nhà truyền giáo.
Khi tôi đến Bolivia, một đất nước thuộc vùng Nam Mỹ, với biết bao bỡ ngỡ nơi đất khách quê người. Tôi vẫn thường liên lạc email với Cha để xin được Cha hướng dẫn. Khi làm việc với các em nội trú, tôi không thấy lo lắng vì tôi có tới 5 năm sống trong nhà sinh viên nên tôi nghĩ là mình có đủ kinh nghiệm để đồng hành với trẻ.
Nơi đây, tôi nhìn về Cha như một gương mẫu để tôi noi theo đó là sống hết mình vì giới trẻ. LÀM VIỆC và VUI TƯƠI đó là câu nói trên môi khi Cha huấn từ; SẴN LÒNG và NHIỆT TÌNH TÔNG ĐỒ là chiều kích không thể thiếu của một Salêdiêng; KHÓ VỚI MÌNH và DỄ VỚI NGƯỜI là châm ngôn làm việc của Cha.
Giờ đây, tuy không được làm việc trực tiếp với Cha nhưng những kỷ niệm, những bài học và những việc làm của Cha không thể nào phai nhạt trong tôi. Cảm tạ Chúa đã cho con có Cha, một người Cha tinh thần, một người Thầy gương mẫu và một người bạn thánh thiện.
Xin Thiên Chúa, Mẹ Maria Phù Hộ và cha thánh Gioan Bosco ban nhiều sức mạnh – nghị lực và hồng ân xuống trên Cha để Cha tiếp tục sứ mệnh của một Salêdiêng là đem nhiều linh hồn thanh thiếu niên về Nước trời.
Danh sách nhà Trung Lang giai đoạn 2000 – 2006
*Danh sách này có thể còn thiếu do không tìm được thông tin hiện tại của anh em
Xem thêm: Căn nhà đầu tiên
Tư Giáo Giuse Phạm Ngọc Toản (truyền giáo ở Bolivia) – Cựu sinh viên nhà Trung Lang