Trong giấc mơ 9 tuổi của mình, cậu bé Gioan Bosco tỏ ra bất ngờ, hoảng sợ khi gặp “Người lạ mặt” và cậu đã phản ứng: “Ông là ai mà lại bảo con làm những điều con không thể làm, con chỉ là một đứa trẻ nghèo hèn ngu ngốc thôi”.
Người lạ mặt từ tốn đáp: “Đây là Bà giáo của con, nhờ Bà chỉ dạy, con sẽ trở nên khôn ngoan”. Bà giáo hiền từ nói: “… sẽ đến lúc con sẽ hiểu tất cả điều đó”
Với mọi người, giấc mơ ấy bình thường, tẻ nhạt. Nhưng Bà Magarita, mẹ của Ngài luôn suy ngẫm và đã đồng hành cho mọi công cuộc của Cha Thánh Gioan Bosco. Câu chuyện hơn 100 năm trước nhưng đã “bén duyên” khi Cha Tôma Vũ Kim Long khởi sự cho lý tưởng tông đồ của mình với các thanh niên từ vùng quê nghèo.
Ngài muốn họ thêm con chữ để thoát nghèo, có nơi dừng chân tử tế nơi Sài Thành xa lạ. Với tất cả những âu lo, đầy trăn trở trong lời cầu nguyện hằng ngày, Cha Tôma đã gặp Bác… BÁC THƯ, tên gọi quen thuộc của tất cả những ai trong mối tương quan với nhà trọ sinh viên Don Bosco.
Khởi đầu với những ngỏ ý của Cha Tôma, Bác trầm ngâm vì chưa từng như thế, rồi vai trò của một người Bà, người Mẹ, người Vợ và một đám con trai xa lạ lưu trú trong nhà của mình?
Tất cả suy nghĩ thoáng qua nhưng rồi như một sự sắp đặt theo ý Chúa trong công cuộc của Cha Tôma, Bác gật đầu đồng ý. Gia đình Bác thư sống giản dị trong ngôi nhà số 73 Trần Mai Ninh, thân thiện với xóm giềng và nhiệt tình với Xứ đạo.
Xem thêm: Bà giáo tận tụy
Trong những ngày đầu hoạt động của nhà sinh viên, chính quyền, hàng xóm luôn nghi ngờ, cảnh giác vì hơn chục đứa con trai ngày thì ra vào, tối đến lại vang lên tiếng kinh cầu. Nhưng dưới sự quan tâm, coi sóc của Bác và mọi thành viên trong gia đình, hình ảnh hiền hòa, dễ mến, thân thiện của những đứa con trai sống trong nhà đã chinh phục tất cả.
Vượt qua nỗi đau sau sự ra đi của Bác trai vì bạo bệnh, Bác gái thêm sự quyết tâm và trọn vẹn cống hiến cho các nhà trọ sinh viên. Từ bình nước, chén cơm, mỗi ngày, Bác quan tâm giúp đỡ. Lắng lo chuyện quê nhà, Bác ngồi hàng giờ lắng nghe anh em tâm sự.
Khó khăn, lo toan học hành, Bác động viên, góp ý. Bao thử thách, băn khoăn trong đời sống ơn gọi, Bác luôn sẵn sàng chia sẻ. Bác hiện diện trong tất cả các buổi Lễ ra trường hay “tốt nghiệp” trong đời sống ơn gọi của anh em. Ngay cả lúc bạo bệnh, nằm trên giường với đôi mắt ngấn lệ, Bác vẫn căn dặn: “Nếu không còn Bác, các con cố gắng sống tốt lành nhé”
Bao nhiêu lương để tính cho ngần ấy công việc? Bao lời cảm ơn để nói hết ân tình? Và cũng chẳng câu chữ lời văn nào đủ để sẻ chia những điều tốt lành từ Bác. Người phụ nữ hy sinh vì gia đình, nghĩa chồng nuôi con đã tốt lành. Nhưng người phụ nữ “thầm lặng” theo sau và dành cả phần sức khỏe, tuổi đời còn lại cho hàng trăm sinh viên nghèo nghịch ngợm thì đáng quý biết bao.
Tôi, bạn và rất nhiều sinh viên không ít lần tiu ngỉu vì Bác la dặn, hay có chút vu vơ khi bị Bác nhắc nhở với những bồng bột của thời trẻ ham vui. Nhưng tự trong sâu thẳm mỗi người, chúng ta biết ơn, cảm phục, tôn trọng và đáng kính người phụ nữ bình dị, giản đơn luôn bên cạnh thời niên thiếu của mình.
Ngôi nhà trọ ấy vẫn “nằm nghe lắng mưa” và thăng tiến. Và dù trong hoàn cảnh, thời thế nào của xã hội, người Salediêng luôn có những dấu chỉ về lòng yêu thương và Bác Thư là một “bảo chứng” về điều tốt lành đó.
Xem thêm: Những tấm lòng để gió cuốn đi
Chúng con tri ân Bác bằng sự đơn sơ, chân thành của những người trẻ đối với người Mẹ Magarita thời hiện đại. Tạ ơn Hồng ân của Thiên Chúa, Mẹ Phù Hộ và ơn lành của Cha Thánh để chúc lành cho những cống hiến của Bác đã, đang và sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời của mình.
*Người lạ mặt nói với cậu bé Gioan Bosco trong giấc mơ 9 tuổi: “Gioan ơi, con đừng lấy những cú đấm, cú đá nhưng lại phải lấy lòng thương mến mà chia sẻ với các bạn của con, con hãy dạy chúng biết làm lành, lánh dữ”
(Peterthanhthai – Kỷ yếu nhà trọ sinh viên Don Bosco giai đoạn 1993 – 2006)
–