Có căn nhà nằm nghe nắng mưa
Một đời người, có thể sẽ đi qua biết bao căn nhà… nhưng, với những người đã từng trú ngụ nơi mái ấm sinh viên Don Bosco, hẳn, sẽ không bao giờ quên trong đời mình: CÓ CĂN NHÀ NẰM NGHE NẮNG MƯA.
Căn nhà ấy,
được khởi đi từ cõi lòng thao thức của Cha Tôma,
về chỗ trú nắng trú mưa cho những người trẻ xa nhà,
được hình thành từ tấm lòng quảng đại của các cộng sự viên,
về chốn che chở cho những người trẻ từ quê lên thành thị.
Căn nhà ấy,
đã là nơi quy tụ của biết bao người trẻ từ mọi miền đất nước,
đã là nơi che chở biết bao tâm hồn non dại chưa biết đi về đầu,
đã từng nghe biết bao câu chuyện nắng mưa của những người trẻ lẫm chẫm
bước vào đời: Chuyện nhớ nhà, chuyện nhớ mẹ nhớ cha. Chuyện tiền nong, chuyện làm thêm kiếm sống. Cả chuyện tình và những chuyện ước mơ, cho tương lai và tháng ngày dài đầy rạng rỡ…
Căn nhà ấy,
đã làm nên cuộc đời của biết bao người trẻ,
đã làm nên sự thánh thiện của biết bao tâm hồn,
đa làm nên biết bao những căn nhà ngập tràn tình yêu thương
* căn nhà Giáo xứ của những anh em đã trở thành Linh mục,
* căn nhà Hội dòng nơi những anh em đã là tu sĩ, chủng sinh,
* căn nhà gia đình nơi những anh em đã là chồng là cha,
* căn nhà chung nơi cuộc sống anh em đã và đang hiện diện.
Căn nhà ấy,
vẫn tiếp tục hiện diện và phát triển,
vẫn bao bọc cuộc đời của biết bao thế hệ sẽ làm nên lịch sử và tương lai.
Và hôm nay,
tập Kỷ yếu này được thành hình
như căn nhà chứng kiến nhiều mưa nắng,
là căn nhà ghi lại những ký ức và tâm tình tri ân.
Chính vì vậy,
Mời Bạn bước vào căn nhà này, để tiếp tục:
nghe nắng mưa từ những miền ký ức,
thấy nắng mưa đã làm nên biết bao điều kỳ diệu,
và cảm nghiệm về một CĂN NHÀ ĐÃ NẰM NGHE NẮNG MƯA.
Xem thêm: Hành trình trở về
Những tấm lòng để gió cuốn đi
Bài viết xin tri ân các Cô Chú chủ nhà đã quảng đại trong việc xây dựng tương lai anh em chúng con.
Có một thời,
khi nghe nhạc phẩm “Để gió cuốn đi” của Cố Nhạc sĩ họ Trịnh,
tôi đã không hiểu tại sao “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”,
và tấm lòng ấy lại phải “để gió cuốn đi”…?!?!
Đến một ngày,
ngày mà tôi bước vào đời tìm một tương lai mới,
giữa phố Sài Gòn chốn “phồn hoa đô thị”
tôi đã hiểu điều vẫn hằng băn khoăn suy nghĩ,
khi gặp được các Cô Chú chủ nhà
nơi những sinh viên Don Bosco từng trọ học
bởi nơi đó tôi nhận ra những Tấm Lòng
những Tấm Lòng đã để gió cuốn đi…
Những Tấm Lòng đã để gió cuốn đi,
vì chẳng hề toan tính hay vị kỷ,
khi mở cánh cửa nhà với tất cả tâm trí
để đón lấy những học trò nghèo từ quê xa.
Những Tấm Lòng đã để gió cuốn đi,
vì cho đi mà không hề suy nghĩ,
khi san sẻ cả nồi cơm, bát cháo của gia đình,
để sinh viên nghèo được no ấm tình yêu thương.
Những Tấm Lòng đã để gió cuốn đi,
vì hiến dâng mà không mong được đền đáp,
khi chẳng phân biệt nhiều, ít hay kẻ chẳng có gì,
để học trò nghèo vui sống mà chẳng phải nghĩ ngợi chi.
Những Tấm Lòng đã để gió cuốn đi,
vì luôn cảm thông và sẵn lòng tha thứ
khi người trẻ sai sót hoặc gây ra không ít những phiền hà
để kẻ lỡ lầm, yếu đuối có cơ hội thay đổi và vươn lên.
Những Tấm Lòng đã để gió cuốn đi,
vì đã hết lòng yêu thương những đứa trẻ xa nhà,
xa cha mẹ, xa hơi ấm tình yêu,
để hiểu, để thương như các con các cháu trong gia đình.
Những Tấm Lòng đã để gió cuốn đi,
gió cuốn đi, cuốn đi, và đi mãi
cứ mãi đi mà không hề trở lại,
gieo yêu thương, gieo Tin Mừng khắp nhân gian…
Chính vì vậy, mượn trang giấy này,
những người trẻ đã từng đi qua những “căn nhà nằm nghe nắng mưa”,
xin tri ân những Tấm Lòng dám để gió cuốn đi,
xin ngợi ca những Tấm Lòng đã làm nên cuộc sống,
cho hôm nay và mãi về tương lai,
cho xã hội, Giáo hội đầy dư những Tấm Lòng
NHỮNG TẤM LÒNG ĐỂ CHO GIÓ CUỐN ĐI…
Xem thêm: Ngôi nhà yêu thương
Chuyện người đưa đò
“Chuyện một con đò dầm dãi nắng mưa
Lặng lẽ chở từng dòng người xuôi ngược
Khách sang sông tiếp hành trình phía trước
Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò?”
Không biết từ bao giờ, người thầy được ví với hình ảnh người lái đò trên dòng đời xuôi ngược… Năm tháng qua đi, trên dòng đời tấp nập đó, thầy vẫn thầm lặng đưa từng chuyến đò sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người. Và hôm nay, hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến những người đã đón đưa tôi trong chuyến đò rời xa quê mẹ – cập bến Sài Gòn để tìm cho mình một tương lai…
Vâng, trên chuyến đò “sang sông” cất bước vào đời năm ấy,
tôi nhớ mãi hình ảnh của Ông lái đò mang trong mình tình yêu của người Cha, tấm lòng của người Thầy, phong cách của người bạn, và trái tim của người Mục tử:
Ông lái đò năm ấy mang trong mình tình yêu của người CHA,
vì ông đã mở rộng vòng tay ấm nồng để bao bọc những người trẻ lẫm chẫm bước vào đời trong sự thầm lặng, nhưng hết mực ân cần, tận tụy, và chu đáo…
Ông lái đò năm ấy mang trong mình tấm lòng của người THẦY,
vì ông đã không ngại sương gió sớm hôm để dẫn đưa những người trẻ về miền tri thức: Đó không chỉ là thứ tri thức khoa học giáo điều mà còn là những bài học đối nhân xử thế; đó không chỉ là thứ tri thức xã hội khô khan mà còn là những bài học đức tin giúp thế hệ trẻ nên người.
Ông lái đò năm ấy mang trong mình phong cách của người BẠN,
khi gần gũi đồng hành cùng các sinh viên, lắng nghe những băn khoăn trăn trở, san sẻ cả những chén cơm với trái trứng, rau luộc đơn sơ mà đầy ắp nghĩa tình…
Và, trên hết, Ông lái đò năm ấy còn mang trong mình trái tim của NGƯỜI MỤC TỬ:
• Người mục tử ấy đã không ngồi trên ghế chỉ đạo mà đã ra đi, đến với biên cương, vùng ven để mang vào mình “mùi chiên”.
• Người mục tử ấy đã không đi trên những siêu xe hàng hiệu, mà chỉ “cặm cụi” với “con đò” cũ kỹ là chiếc gắn máy “cà tàng”, để chở biết bao người trẻ tìm về với Chúa, tìm được kiến thức nhân văn, và tìm ra ý nghĩa đời mình.
• Người mục tử ấy đã không “dậm chân tại chỗ” với những giới hạn của bản thân, nhưng đã mở rộng sự quan tâm chăm sóc người trẻ qua việc mời gọi các cộng tác viên trong vai trò bà, là bác, là anh, là chị, là cô… để người trẻ được chăm lo ân cần, chu đáo.
Và, với một tình yêu của người Cha,
tấm lòng của người Thầy,
phong cách của người bạn,
và trái tim của người Mục tử,
ông lái đò năm xưa đã đưa biết bao người trẻ “sang sông”,
cập bến bình an hạnh phúc.
Hôm nay, sau bao năm dãi dầu sương gió,
khi trở lại bến cũ, tôi vẫn thấy Ông đứng bên dòng sông ấy,
vẫn chờ đợi trong thầm lặng,
vẫn tận tụy trong gian khổ,
vẫn hy sinh trong kiên nhẫn…
để tiếp tục đưa từng chuyến đò sang sông.
Thế nên, hôm qua, hôm nay và mãi mãi,
tôi và những người đã đi trên chuyến đò của Ông,
vẫn mang trong lòng mình những miền nhớ,
vẫn canh cánh trong lòng mình món nợ ân tình không thể trả;
và, vẫn ưu tư trong tâm trí mình nỗi lòng băn khoăn không một lời giải đáp…
“Câu chuyện năm xưa nhưng mãi đến bây giờ
Con muốn hiểu, thầy ơi – người đưa đò vĩ đại
Con đến với cuộc đời từ sự hy sinh thầm lặng ấy
Trên chuyến đò của thầy chở nặng yêu thương”
Xem thêm: Một chút hoài niệm…
Lời kết
Một đời người, có thể đã nghe qua rất nhiều chuyện kể…
nhưng, với những người đã từng sống trong “căn nhà nằm nghe nắng mưa”,
hẳn, đã rất xúc động khi nghe CĂN NHÀ XƯA ẤY KỂ CHUYỆN ĐỜI MÌNH;
bởi:
Căn nhà xưa ấy đã kể về MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Về một đời hiến dâng rất trọn vẹn: của cha Tôma, của các cộng sự viên,
Về một thời tuổi trẻ đầy niềm tin: của tôi, của anh – những đứa trẻ xa nhà,
Về những ngày nắng tràn niềm vui nông nổi: của cái thời oanh liệt “bẻ gãy sừng trâu”,
Về những ngày chẳng biết đi về đâu, bởi cái tuổi lắm buồn vui bất chợt: nay thế này rồi mai lại thế kia…
Về biết bao chuyện tưởng đã đi vào miền ký ức, nhưng nay mở ra thấy:
– À, mình vẫn ở đây!
– Ơ, cái thằng kia giờ chẳng khác xưa là mấy!
– Ồ, sao hồi ấy chúng ta “trẻ trâu” đến thế này!
Và dường như tất cả vẫn còn đây, trong con tim của Thầy, trong tình huynh nghĩa đệ, cứ ùa về, cứ mãi tràn trề theo tháng năm…
Căn nhà xưa ấy đang kể về PHÚT GIÂY HIỆN TẠI
Có những người đã công thành danh toại, nay trở về môi miệng vang khúc hát tri ân,
Có những người trẻ vẫn ân cần tiếp bước – thế hệ đi trước viết nên những bài ca cho cuộc đời,
Dẫu ngày mai vật có đổi, sao có dời; nhưng căn nhà ngày xưa vẫn âm thầm ở đó.
Dẫu tên “nhà trọ” nay đã đổi thành “lưu xá”, nhưng căn nhà ấy vẫn ân cần nghe bao chuyện nắng mưa…
Căn nhà xưa ấy ước vọng về THÁNG NGÀY TƯƠNG LAI
Các Bạn ơi, dù ngày mai có thế nào,
Tôi – căn nhà xưa ấy – nguyện một lòng vẫn hiện diện ở đó,
Vẫn đón đưa bao thế hệ học trò,
vẫn che nắng che mưa cho những con người sẽ làm nên lịch sử.
Vẫn ở đây chờ các Bạn trở về,
ngày họp mặt thắm tình nghĩa đệ huynh.
Vẫn chờ mong các Bạn viết tiếp vào đây những tâm tình,
chuyện chúng mình ngày xưa chưa từng kể.
Để cho dẫu có lên Non hay xuống Bể,
ta chẳng thể quên những tháng ngày xa.
Để cho dẫu thời gian có phôi pha,
ta vẫn không quên ngày xưa từng ở trong căn nhà như thế:
một CĂN NHÀ ĐÃ LÀM NÊN CUỘC ĐỜI BAO THẾ HỆ,
một CĂN NHÀ BIẾT NẰM NGHE NẮNG MƯA,
một CĂN NHÀ VẪN NẰM NGHE NẮNG MƯA.
Xem thêm: Con đường yêu thương
(Lm Jos Lê Thái Văn – Cựu sinh viên nhà Đồng Đen)